Tương Dương là một huyện miền núi miền Tây Nghệ An.Tôi là một người con được sinh ra và lớn lên nơi đây. Mỗi khi nhắc đến phủ Tương bản thân Tôi cảm thấy tự hào. Bên cạnh đó nơi đây còn có rất nhiều sản phẩm tuyệt vời, trong đó Tôi ấn tượng nhất là rượu nếp cẩm. Còn nhớ những ngày nhỏ Tôi ở với ông bà nội, Tôi cứ háo hức đến dịp tết, đó là lúc Nội Tôi ủ rượu, cái mùi thơm ngọt ngào của nếp mới cộng với mùi men rượu được làm thủ công bằng bí quyết riêng khiến cho ai ngửi thấy cũng thổn thức. Điểm đặc biệt của Rượu nếp cẩm là rượu ủ rồi tách bã, không qua chưng cất.
Là một kỹ sư nông nghiệp, Tôi có cơ hội được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều bà con, qua tâm sự của họ Tôi biết được không chỉ có bản thân mình yêu thích Rượu nếp cẩm mà rất nhiều người khác, nó là một thức uống không thể thiếu ở mỗi gia đình vào ngày lễ, tết. Nó là tấm chân tình mà chủ nhà dành cho khách, có yêu, có thương, có trân trọng mới mời nhau chén rượu cẩm. Nguyên liệu làm nên Rượu nếp cẩm rất đơn giản là gồm men và gạo nếp cẩm tuy nhiên không phải ai cũng làm ra được Rượu thơm ngon, đậm đà. Và chính điều này nó đã thôi thức trong Tôi việc bảo tồn và phát triển, đưa Rượu Nếp cẩm đến với nhiều người hơn, ở nhiều nơi hơn và vào nhiều dịp hơn.
Với bản tính ham học hỏi, tự mày mò, đúc rút kinh nghiệm dần lên thì sau 2 năm bén duyên với rượu Nếp Cẩm bản thân Tôi đã thành công hơn mong đợi. Sản phẩm rượu Nếp Cẩm Tương Dương được sản xuất ở cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh sản phẩm sạch Hà Phương ra đời, được rất nhiều khách tin dùng. Rượu được ủ thủ công theo bí quyết riêng. Men dùng ủ rượu là men thuốc bắc gồm 36 vị như: nhục đậu khấu, bạch truật, cam thảo, bạc hà, uất kim,… và bột gạo. Các nguyên liệu thuốc bắc được rửa sạch, sao vàng sau đó xay thành bột mịn, và trộn với bột gạo theo tỷ lệ và bí quyết riêng. Sau khi phối trộn sẽ vắt thành từng viên, các viên men được rải đều trên chiếc nong có lớp vỏ trấu chống dính, cất vào nơi thoáng mát, ủ 5-7 ngày quan sát sẽ thấy trên viên men có sợi men bông tơi, thì tiến hành phơi nắng hoặc xông trên bếp củi, và sau 15 ngày mới có thể dùng. Men- nó là yếu tố thành bại đến 70% của rượu Nếp Cẩm.
Nếp để ủ rượu cũng được chọn lựa kỹ càng, Nếp là những loại nếp mới, có mùi thơm đặc trưng như vậy góp phần tạo nên một mẻ rượu ngọt, ngon.
Nếp Cẩm được làm chín bằng hông hoặc nấu, sau đó để nguội, và phối trộn theo tỷ lệ 1:1( 1 kg nếp: 1 viên men) và cho vào nồi đậy kín ủ 3-4 ngày, tiến hành ép tách nước rượu nguyên chất và bã. Tùy theo sở thích của mỗi người mà sẽ có cách bảo quản khác nhau, nếu ai thích ngọt đậm, ít nồng thì chúng ta cho vào ngăn mát tủ lạnh, còn thích nồng đậm vị rượu, thì để ngoài ở nhiệt độ thường.
Rượu Nếp Cẩm Tương Dương đã được đưa đi xét nghiệm, phân tích; hiện nay đã hoàn thiện đăng ký mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm…, sản phẩm rượu nếp cẩm Tương Dương xuất bán ra thị trường được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Sản phẩm bước đầu đã tạo được uy tín với khách hàng; doanh thu tiêu thụ năm 2020 là 3.500 lít, lợi nhuận đạt 75.500.000, tạo việc làm thường xuyên cho các thành viên gia đình. Quá trình sản xuất, Hà Phương đã tuân thủ các quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhờ đó sản phẩm rượu nếp cẩm Tương Dương đã được huyện Tương Dương bình xét, lựa chọn là sản phẩm tiêu biểu của huyện tham gia dự thi Đề án “Mỗi xã phường một sản phẩm” OCOP cấp tỉnh, năm 2021.