Nhắc đến Tương Dương chắc ai cũng đều biết đến đây là một huyện miền núi nằm ở phía Tây tỉnh Nghệ An, và đây cũng chính là huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh. Với địa hình chủ yếu đồi núi chiếm hơn 85%, trong đó độ che phủ rừng chiếm hơn 70%với những cánh rừng nguyên sinh và bạt ngàn những khu rừng luồng, rừng nứa dại trên các dãy núi, ngọn đồi. Với sự ưu ái của thiên nhiên, những cánh rừng này đã trở thành nơi mưu sinh cho đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Tày Poọng,… tại địa phương. Đây là nguồn lâm sản phụ được phép khai thác gắn với khoanh vùng, bảo vệ đã được quy định. Ngoài ra, hàng chục héc ta rừng luồng, tre, măng bát độ của các hộ gia đình có đất lâm nghiệp cũng được chuyên canh để khai thác măng. Nếu các bạn đến với Tương Dương vào những ngày bắt đầu những cơn mưa mùa hạ (khoảng từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch) thì các bạn sẽ thấy trên những cánh rừng có vô vàn những mầm măng ngoi mình lên mặt đất.
Với phong tục tập quán từ bao đời nay, cuộc sống của các đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Tương Dương gắn với rừng, tự cung tự cấp nhờ săn bắt, hái lượm. Và trong đó măng rừng được người dân sử dụng để chế biến thành món ăn dân giã không thể thiếu trong các bữa ăn gia đình như món canh măng; măng luộc; măng trộn; măng muối chua; ... Do mỗi năm mùa măng chỉ có trong 5 đến 6 tháng, chính vì vậy để quanh năm có thể thưởng thức những món ăn được chế biến từ măng thì người dân nơi đây đã nghĩ ra cách sơ chế và phơi khô măng để dự trữ ăn dần. Qua thời gian, măng khô được người dân biết đến và chế biến nhiều hơn từ đó măng khô cũng trở thành hàng hóa được mua bán trên thị trường. Để có thể làm ra măng khô cần rất nhiều công sức, đòi hỏi sự chịu khó và tỉ mỉ. Măng tươi được người dân hái về lựa chọn, cắt tỉa, rửa sạch rồi luộc chín, sau đó mới tiến hành bổ, thái rồi đem xếp lên giàn phơi dưới ánh nắng mặt trời. Khi măng phơi đã thật khô, giòn thì người dân đem đóng gói cẩn thận và cất trữ.
Trước đây, sản phẩm măng khô do người dân làm ra thường có giá bấp bênh do phụ thuộc vào các thương lái thu mua, thu nhập người dân theo đó cũng không ổn định. Để giải quyết một phần những khó khăn đó, năm 2020 Tổ hợp tác sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản Bản Phồng được thành lập với mục đích đảm bảo tính chuẩn mực, đảm bảo chất lượng vừa hỗ trợ người dân chế biến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người làm nghề.
Theo nhiều người dân địa phương, măng khô ở đây có màu vàng đặc trưng, ngay sau khi măng được thu hái từ rừng về người dân trực tiếp chế biến, trong quá trình chế biến hoàn toàn sạch không dùng chất bảo quản độc hại. Để có được thành phẩm 1kg măng khô thì người dân cần phải thu hái khoảng 20 kg măng tươi. Măng khô thường được để chế biến thành các món ăn rất ngon như: măng xào thẩm cẩm; canh măng hầm xương; măng thịt cuốn nem… Chính những điều đó đã tạo nên giá trị đặc trưng của măng khô Tương Dương.
Từ khi thành lập đến nay, tổ sản xuất đã đứng ra làm đầu mối tổ chức chế biến, thu mua hàng chục tấn măng tươi cho người dân, chế biến đóng gói tiêu thụ và phát triển quy mô sản xuất. Nhờ đó, nghề khai thác, sơ chế măng khô đã trở thành hướng mưu sinh hiệu quả của hàng trăm gia đình trong địa bàn xã Tam Hợp nói riêng cũng như người dân trong huyện Tương Dương nói chung. Do chất lượng măng khô ở đây tốt, tiếng lành đồn xa được nhiều người ưa thích nên đầu ra ngày càng được mở rộng.
Hy vọng rằng, trong thời gian tới Măng khô Tương Dương sẽ được mọi người biết đến nhiều hơn nữa không chỉ trong tỉnh Nghệ An mà sẽ có mặt tại nhiều nơi trên mọi miền tổ quốc. Và điều đặc biệt hơn nữa đó chính là để những người con Tương Dương khi xa quê vẫn có thể được thưởng món ăn đậm chất núi rừng và một phần nào làm thỏa lòng nỗi nhớ quê hương nơi đất khách quê người.
Với những điều tuyệt vời như vậy, không lý do gì mà chúng ta không cùng nhau thưởng thức cũng như giới thiệu sản phẩm Măng khô Tương Dương đến tất cả mọi người, qua đó để chúng ta thêm gần nhau hơn…