CÀ CHUA MÚI TƯƠNG DƯƠNG
MÓN QUÀ QUÝ ÔNG CHA ĐỂ LẠI
Cà chua, có lẽ với bất cứ ai cũng không còn xa lạ, nhưng nếu lần đầu tiên bắp gặp quả Cà Chua Múi Tương Dương, hẳn rằng nếu không phải người dân bản địa vùng đất Tương Dương, sẽ phải dừng lại ngắm nghía và xuýt xoa với hình dáng của loại quả mà người dân nơi đây vẫn gọi là Cà Chua Múi. Vào giữa tháng 9 âm lịch, người dân bắt đầu ươm và trồng cà chua, và mảnh đất phù hợp nhất với loại cây này là Piềng Lụng, vạt bằng tại bản Phòng, Thạch Giám, Tương Dương, nơi đây cũng được xem là gốc tích của cây Cà Chua Múi, bởi vậy người dân vẫn thường gọi là Cà Chua Múi bản Phòng.
Tương truyền rằng: Ngày xưa tại mảnh đất Piềng Lụng có một gia đình nọ có 10 người con, ông bà làm lụng vất vả, ấy vậy mà không đủ thức ăn cho các con. Vào một buổi sáng mùa đông, trong nhà không còn lấy một hạt ngô, hạt gạo, khi bước ra vườn, may mắn thay còn sót lại một thứ quả đỏ mọng trên cây rau ở cuối vườn, người mẹ vui mừng hái quả mang vào bếp chia thành mười phần nhỏ rồi mang cho các con ăn đỡ đói lòng. Người mẹ đặt quả và lòng bàn tay, do cố bao trọn quả để mang vào bếp, khi xòe bàn tay ra dấu các ngón tay người mẹ hằn trên quả, tạo nên các múi, khía hình ngón tay ấn vào..bởi vậy ngày nay quả cà chua mới có hình khía múi như có dấu các ngón tay là do vậy.
Quả Cà Chua Múi là hình ảnh gợi đến sự vất vả, cũng là tượng trưng cho sự nỗ lực cố gắng vươn lên của người dân lao động, mà quả thật cũng nhờ quả Cà Chua Múi, mà người dân bản Phòng, Thạch Giám có nguồn thu nhập, vươn lên thoát nghèo, hoàn thành mục tiêu xây dựng Nông thôn mới với nguồn thu nhập ổn đinh, bản Phòng cũng là bản đầu tiên của huyện Tương Dương sản xuất rau, quả sạch tạo thành hàng hóa lúc bấy giờ.
Sau 2 tháng trồng và chăm sóc, cây cà chua sẽ đơm hoa và cho quả, những quả cà chua với múi, khía rõ nét, hình dáng quả rất lạ và đẹp mắt, quả với trọng lượng dao động từ 0,2 kg- 0,5 kg, có quả đạt từ 1 kg-1,2 kg, cũng vì thế Cà Chua Múi còn có một tên gọi khác là Cà Chua Quả To.
Trên mảnh đất Piềng Lụng nơi người dân sản xuất tự bao đời, nhờ sự cần cù, chịu khó, tính siêng năng cần mẫn cùng với sự hỗ trợ của các cấp, ngành… nhân dân đã chuyển đổi từ những rẫy sắn, rẫy lúa …chuyển sang sản xuất các loại rau, quả, các giống vốn có của địa phương, người dân bản Phòng đã tập trung sản xuất từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật và mở rộng quy mô. Từ những loại rau quả ban đầu trồng chỉ với mục đích phục vụ đời sống hàng ngày, dần dần người dân đã tạo thành hàng hóa, trao đổi. Nhận thấy tiềm năng, và sự đón nhận của người tiêu dùng, Dự án bảo tồn và phát triển Cà Chua Múi tại bản Phòng đã được quan tâm phát triển. Cà Chua Múi đã được lòng người tiêu dùng bởi quả có một nét gì đó làm cho bất cứ ai gặp một lần sẽ nhớ mãi và thử một lần sẽ khó quên, hương vị khác biệt cũng như mùi vị riêng, chính điều đó tạo nên “thương hiệu” Cà Chua Múi bản Phòng trong lòng người tiêu dùng. Vị quả thanh ngọt, không hắc, có độ bột bùi mà không quá mọng nước…những người sành ăn, ưa ăn sống Cà Chua Múi cũng bởi thế. Cà chua là loại quả có giá trị dinh dưỡng cao và mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe được sử dụng chế biến thành các món Salad, nước xốt, canh, ăn sống, thức uống, làm đẹp...Vào mùa cà chua hầu như bữa ăn gia đình nào cũng bắt gặp các món chế biết từ cà chua và gần cuối vụ vào độ tháng 4 (tháng 3 AL) trong tủ trữ thức ăn của các chị, các mẹ sẽ có một góc nhỏ trữ đông cà chua múi để trữ sử dụng dần đợi mùa mới.
Những ai đã từng ghé thăm bản Phòng thị trấn Thạch Giám vào mùa Cà Chua Múi chắc hẳn loại quả này là lựa chọn đầu tiên để làm quà biếu bạn bè người thân, đồng nghiệp. Cũng chính từ sự ưa chuộng này, bước đầu bản Phòng đã đẩy mạnh việc canh tác giống cây Cà Chua Múi với tổng diện tích 2 ha hằng năm cho sản lượng 20- 30 tấn/năm, thu nhập khoảng 400.000.000đ/vụ. Từ những vụ thu hoạch Cà Chua Múi được giá, thu nhập của bà con ngày một ổn định, góp phần nâng cao đời sống cho bà con bản Phòng, Thạch Giám, Tương Dương.
Cây cà chua với dáng vẻ mỏng manh nhưng sức sống vô cùng mãnh liệt, phát triển và bám trụ lại trên vùng đất có khí hậu rất khắc nghiệt Tương Dương là điều không dễ, vùng đất mà mùa mưa lũ triền miên, mùa hè gió lào khô nóng được ví như “chảo lửa” Đông Dương; thu đông lại lạnh buốt, sương mù... nhưng cây Cà Chua Múi vẫn bám rễ sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ.
Với định hướng và chủ trương của Cấp ủy, chính quyền địa phương là đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, trong đó tập trung phát triển cây Cà Chua Múi trên đất bản Phòng, thị trấn Thạch Giám và lựa chọn là sản phẩm nông nghiệp chủ lực để phát triển, tăng thu nhập cho bà con nhân dân đồng thời bảo tồn nguồn giống bản địa, đặc trưng của địa phương. Với định hướng trên, bà con càng thêm quyết tâm, thêm niềm tin để mang Cà Chua Múi đến với nhiều người tiêu dùng và cùng gìn giữ, bảo tồn, xây dựng phát triển một thương hiệu riêng cho Cà Chua Múi. Để làm được điều đó, tất cả các hộ dân trồng Cà chua múi đã thành lập tổ hợp tác, thống nhất trồng Cà Chua Múi theo một quy trình xanh, sạch, an toàn, chất lượng.
Đồng hành hỗ trợ cùng bà con nhân dân, cán bộ khuyến nông huyện, nông nghiệp thị trấn và Hội Nông dân thị trấn đã thường xuyên hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức các cuộc tập huấn.. Tất cả các quy trình trồng từ cây giống, chất lượng đất, chế độ tưới tiêu, phân bón hữu cơ, ra quả và thu hoạch quả đều được thực hiện kỹ lưỡng, nghiêm ngặt để tạo ra sản phẩm chất lượng nhất.
Cà chua Múi loài cây bản địa, mang nét đặc trưng của vùng đất Thạch Giám, Tương Dương hướng tới sản phẩm OCOP với mục tiêu mang Cà Chua Múi đến với nhiều người tiêu dùng nhằm gìn giữ, bảo tồn, phát triển một thương hiệu riêng cho người dân vùng cao Tương Dương từ cây trồng mà cha ông để lại.